HLTcoffee.com - Những vị thuốc thảo dược mà các đạo sĩ thường dùng để làm thuốc hoặc chế thành món ăn riêng khi tịch cốc (không ăn ngũ cốc) có rất nhiều, xin giới thiệu mấy loại chính sau.
Những vị thuốc thảo dược mà các đạo sĩ thường dùng để làm thuốc hoặc chế thành món ăn riêng khi tịch cốc (không ăn ngũ cốc) có rất nhiều, xin giới thiệu mấy loại chính sau.
Phục linh: Uống lâu ngày có thể kéo dài tuổi thọ
Đây là loại thảo dược rất được Đạo giáo tôn sùng và cũng là thứ thuốc bổ quý giá mà mọi người đều biết. Lịch sử uống phục linh có từ lâu đời, trong "Thần Nông bản thảo kinh" có từ 1.700 năm trước đã liệt phục linh vào loại thượng phẩm, cho rằng "uống lâu ngày có thể an hồn phách, dưỡng thần, không đói, kéo dài tuổi thọ". "Vân cấp thất thiêm - Phương dược" nói "Uống phục linh có thể điều hòa lục khí, dưỡng phách an thần, biết sử dụng phương này thì thành thiên tiên. Người già uống vào khoẻ mạnh trở lại, phản lão hoàn đồng, tai họa không đến, sống thọ vô cùng".
Do sự khoa trương của Đạo giáo, phục linh luôn bị phủ trong bức màn thần bí, danh y - đạo sĩ các đời đều có nói đến. Những bộ y thư kinh điển của trung y như "Đồ kinh bản thảo", "Tập tiên phương"... đều có nghiên cứu về phục linh. "Nhật Hoa Tử bản thảo" nói "Phục linh bổ ngũ lao thất thương, an thai, ấm hông gối, khai tâm ích trí, trừ chứng hay quên". Đời Thanh, Từ Hy thái hậu hằng ngày thường ăn bánh kẹp phục linh để bảo dưỡng nhan sắc, sức khoẻ. Đến nay, "bánh kẹp phục linh" đã trở thành món ăn nổi tiếng chốn kinh đô.
Theo "Hoa Đà thần y mật truyền" thì lấy phục linh và quế tâm lượng bằng nhau, nghiền hột, trộn với mật, luyện thành hoàn to như quả trứng gà. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g với nước ấm. Bài thuốc này giúp tăng khí lực, nhẹ người, đẹp nhan sắc, ích thọ, lâu già. Hoặc lấy phục linh nghiền thành bột, trộn với mật thành cao, hằng ngày xoa lên mặt giúp cho da mặt sáng mịn, tươi trẻ.
Đại táo "ăn lâu nhẹ người, sống thọ"
Theo "Sử ký - Phong thiền thư" của Tư Mã Thiên, Lý Thiếu Quân nói với Tần Thủy Hoàng rằng "Thần vân du trên biển, thấy An Kỳ Sinh ăn táo lớn, quả to như quả dưa. An Kỳ Sinh là bậc tiên, ở chốn Bồng Lai, hợp duyên thì gặp, không hợp thì ẩn". Đạo giáo bèn thờ An Kỳ Sinh là tiên nhân.
"Thần Nông bản thảo kinh" nói đại táo "ăn lâu nhẹ người, sống thọ", Tôn Tư Mạo cũng nói ăn đại táo sống lâu, không đói, sinh tân dịch, trừ tà khí, hòa chất độc của trăm thứ thuốc, thông 9 khiếu. Nấu ăn thì bổ ruột, dạ dày, đứng đầu trong bổ trung ích khí.
Đại táo chính là hồng táo, đương nhiên nó không thể có công dụng "sống lâu, không đói" nhưng rất có ích cho sức khoẻ. Người ta thường nói "Ăn 3 quả táo hơn 1 quả trứng gà", táo có hàm lượng dinh dưỡng phong phú gồm vitamin, protein, axit hữu cơ, canxi, sắt. Theo Trung y, đại táo vị ngọt tính ôn, có công hiệu bổ tỳ hòa vị, ích khí sinh tân, giải độc dược; Cho vào thuốc có thể trị các chứng kém ăn, yếu tỳ vị, khí huyết thiếu, hồi hộp...
Câu kỷ: Uống ba trăm ngày đi lại như ngựa
Trong Phục nhị pháp, câu kỷ là thượng phẩm diên niên ích thọ, có thể sử dụng cả thân rễ, cành, lá, hoa, quả. "Thái bình thánh huệ phương" có chép chuyện có vị sứ giả đến Tây Hà thì thấy một thiếu nữ xinh đẹp đang cầm roi đánh một ông già, bèn hỏi nguyên do, cô gái nói: "Đây là cháu gọi tôi bằng cố (cụ). Vì trong nhà có thuốc trường sinh bất lão mà không uống, để cho trở nên già nua thế này nên phải trị tội". Sứ giả hỏi tên thuốc, cô gái nói: "Thuốc này có 5 tên, mùa xuân gọi là thiên tinh, mùa hạ gọi là câu kỷ, mùa thu gọi là địa cốt, mùa đông là tiên nhân trượng, cũng gọi là Tây Vương Mẫu trượng. Nếu theo 4 mùa mà hái dùng thì có thể thọ cùng thiên địa... Uống hai trăm ngày thân thể phát sáng, da mịn như sữa đông; uống ba trăm ngày đi lại như ngựa, già uống trẻ lại, uống lâu sống mãi, trở thành chân nhân".
Theo kinh nghiệm lâm sàng của Trung y, câu kỷ tử (quả) có công hiệu tư thận, bổ gan, nhuận phế, sáng mắt; dùng trị can thận âm hư, hông gối tê bại, váng đầu hoa mắt, hư lao di tinh. Lá câu kỷ có thể bổ ích tinh khí, thanh nhiệt dứt khát, khử phong sáng mắt; dùng trị các chứng hư lao phát nhiệt, mắt quáng gà, băng lậu đới hạ, nhiệt độc sưng đau.
Trong "Thiên kim yếu phương" của đạo sĩ - danh y Tôn Tư Mạo có bài "Khước lão phương" như sau: Vào ngày mùng 9 tháng 9 (âm lịch) hái khoảng 1kg quả câu kỷ tươi, đem nấu với 3 lít rượu tốt trong khoảng 2 giờ, sau đó lọc lấy xác câu kỷ phơi khô, nghiền bột. Còn nước thuốc thì tiếp tục sắc cho đến khi vừa đủ để trộn với bột trên, vo thành viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20g. Thuốc này chuyên bổ hư nhược, giúp nhẹ người, tăng thọ, tráng tinh, lâu già. Hoặc lấy câu kỷ 100g, thục địa hoàng 50g, đem ngâm với 1 lít rượu gạo, sau 7 ngày là dùng được. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ, có tác dụng ích thận bổ gan. Trị chứng đau lưng mỏi gối, váng đầu hoa mắt, mau mệt.
Linh chi: Người thường không dễ tìm thấy
"Thần Nông bản thảo kinh" chia linh chi thành 6 loại là tử chi, xích chi, thanh chi, hoàng chi, bạch chi, hắc chi. Đạo giáo gọi linh chi là tiên thảo, thụy thảo, hoàn dương thảo, người thường không dễ tìm thấy. Linh chi làm thuốc thường thấy hiện nay là nấm xích chi (linh chi đỏ) và tử chi (linh chi tím) sống ký sinh trên rễ cây lâu năm. Linh chi có tác dụng "trị ù tai, thông các khớp, an thần, ích tinh khí, chắc gân cốt, đẹp nhan sắc, uống lâu trường thọ, nhẹ người không già". "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân cho rằng linh chi có thể "trị hư lao". "Trung Quốc dược thực vật đồ giám" thì nói linh chi trị thần kinh suy nhược, mất ngủ, tiêu hóa không tốt và các chứng bệnh mạn tính rất hiệu quả.
Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, linh chi có tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung khu, làm tăng đáng kể bức độ co bóp của cơ tim, bảo vệ tạng gan. Chất chiết xuất từ linh chi làm dứt ho, trừ đàm, ức chế các loại cầu khuẩn gây viêm phổi, cảm cúm... Trên lâm sàng hiện nay dùng linh chi chế thuốc trị các chứng viêm khí quản, chứng giảm thiểu tế bào hồng - bạch cầu, bệnh mạch vành, cao mỡ máu, nhịp tim thất thường, viêm gan cấp tính... đều thu được kết quả rất tốt.
Bài "Linh chi ngũ vị thang": Linh chi 15g, ngũ vị tử 15g, phục thần 15g, đan sâm 20g, cùng đem sắc uống ngày 1 ấm giúp an thần, trị các chứng khí đoản, tâm khí hư, thồi hộp, mất ngủ.