HLTcoffee.com - Trong nhiều năm qua, những con bệnh mặt mày ủ rũ từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về hòn đảo Zanzibar để nghe bài thuốc trị bá bệnh của một thầy lang vườn: cứ ăn ngon và làm tình giỏi thì bao nhiêu bệnh tật đều lui cả.
Một bệnh nhân nữ buồn bã đến phòng khám của thầy lang Madava ở xứ Zanzibar xa xôi thuộc Đông Phi. Không rầu sao được khi bác sĩ nào cũng đều bó tay chẳng biết được nguyên nhân đằng sau chứng tê má của bà. Đối diện với bệnh nhân, thầy Madava bắt đầu hỏi: “Hôm qua cô dùng nhà vệ sinh được bao lần?”. “Không lần nào cả”, bệnh nhân thẽ thọt trả lời. “Vậy thì ngày hôm trước thì sao?”, ông hỏi tiếp. “Cũng không, lần cuối cùng cách đây 3 ngày”, cô này nói, rồi hấp tấp thêm vào: “Nhưng tôi đến đây để khám má cơ mà”. Phớt lờ lời nhắc trên, ông Madava lại tiếp tục: “Cô ăn một ngày mấy cữ?”. Và câu trả lời là 3.
Madava, hay Mr.Madava như các bệnh nhân thường gọi, là bác sĩ được nể trọng nhất tại Zanzibar, quần đảo nằm trên Ấn Độ Dương. Danh tiếng của ông này nổi như cồn, thu hút không những bệnh nhân tại mọi ngóc ngách của quần đảo đến khám bệnh, mà còn đến tai các con bệnh ở châu Phi, thậm chí không ít người đáp máy bay đến từ Canada, Đức... Ai nấy đều một mực tin vào khả năng bốc thuốc như thần của thầy lang cũng như triết lý chống bá bệnh của ông này.Thầy Madava lấy một tờ giấy và bắt đầu tính toán. “Ăn 3 cữ/ngày thì 2 ngày vị chi 6 bữa. Cộng thêm bữa sáng hôm nay là tất cả được 7 lần. Cứ cho là cô ăn 600 gr thực phẩm/bữa. Vậy có thể phải hơn 3 kg trong cơ thể cần được thải ra. Và cô ngạc nhiên khi cơ thể mình gặp vấn đề sao?”, ông vặn hỏi. Thế là bệnh nhân chỉ biết cười trừ.
Thiên nhiên là kho thuốc vạn năng
Theo Spiegel, phòng khám của thầy Madava nằm ở phía bắc thành phố Zanzibar, thủ phủ của vùng bán tự trị của Tanzania. Khu nhà được bao quanh bởi bức tường trắng toát và các hàng cây đu đủ, phần nào đem lại bóng mát trong điều kiện thời tiết ngột ngạt. Nhiệt độ trong phòng khám lên đến 35oC, chẳng có quạt máy chạy vì cúp điện đã vài giờ.
Nữ bệnh nhân đến khám bệnh tê má đang ngồi đợi thầy bốc thuốc. Khi người trợ lý mang ra một chai nhựa chứa chất lỏng đặc màu nâu đậm, ông Madava mới thủng thẳng giải thích thành phần của thuốc, gồm hạt carob, gừng, quế và bạc hà, tất cả đều được xay nhuyễn thành bột và trộn với mật ong để làm thuốc xổ. “Khi mọi chuyện quay về với chu kỳ vốn có của nó, tình trạng gò má của cô sẽ được cải thiện theo”, ông nói.
Thầy lang nổi tiếng của xứ Zanzibar chẳng còn nhớ từ lúc nào mình bắt đầu được gọi là Madava thay vì tên thật là Mohammed Said Ali. Ông cũng là hậu duệ đời thứ 5 của dòng họ thầy lang Madava, những người tận dụng kho thuốc dồi dào trong tự nhiên để chữa bệnh.
Họ dùng bạc hà làm chất khử trùng, gừng chống đau, quế để kích thích khả năng hưng phấn tình dục còn cỏ chanh chống lên men bao tử và những tình trạng nhiễm trùng khác. Cây nghệ tây, bạch đậu khấu, tiêu và dừa cũng được trồng phổ biến trên quần đảo Zanzibar.
Cứ thế, bao đời thầy lang Madava cứ bào chế thuốc uống, thuốc mỡ và dầu các loại từ đủ thứ trái cây, rễ, vỏ, hoa và củ quả.
Ghen cũng trị được
Đối với những bệnh nhân bị liệt vào dạng “bác sĩ chê”, Madava đều có cách xử lý thuyết phục nhưng đầy khó hiểu dưới con mắt chuyên môn. Ông liên tục trị liệu bằng mát xa cho một bé trai 3 tuổi bị chứng miễn dịch yếu, suốt 7 ngày trong tuần. Đối với một thanh niên trẻ nhưng bị chứng rối loạn cương dương, Madava cung cấp “Viagra tự nhiên”.
Có một bà cụ sau cơn đột quỵ cũng đang hồi phục tốt nhờ theo thầy lang vườn này. Thậm chí, ông còn nhận điều trị luôn bệnh... ghen, sau khi một bà vợ mang tâm trạng đầy đau khổ đến nhờ ông giúp vì bà không chịu nổi cảnh chồng lấy vợ hai. Tính sơ sơ, mỗi ngày Madava có thể tiếp đến 80 bệnh nhân, quả là một kỷ lục đáng nể.
Có thể nói Madava vừa là một bác sĩ, nhà trị liệu và đồng thời kiêm luôn người hướng dẫn tinh thần cho bệnh nhân. Nếu có ai tỏ ý nghi ngờ khả năng của ông, cứ nhìn trường hợp của một người tên Suleiman thì biết.
Khi được đưa đến Zanzibar cách đây 2 tháng, bệnh nhân người Oman liên tục lên cơn động kinh và cơ thể luôn quằn quại khi phải hứng chịu từ 6 đến 7 lần co giật mỗi ngày. Có lúc Suleiman bất tỉnh sau một đợt động kinh dữ dội. Dựa trên các phương pháp điều trị hiện nay, các bác sĩ Ấn Độ và Oman cho rằng phải mở sọ bệnh nhân để khám não, nhưng chẳng biết nên mổ ở đâu mới đúng. Nếu xem đoạn video quay lại cảnh Suleiman vật vã, hẳn ai cũng xót lòng khi thấy người đàn ông 50 tuổi phải được duy trì sự sống bằng ống cung cấp thực phẩm. Nội chuyện nâng đầu lên cũng hết sức khó khăn, và ông không thể nào đi được nếu thiếu người dìu. Lúc đó, Suleiman chỉ cân nặng 32 kg, dù cao đến 1,8m.
Sau 60 ngày, bệnh nhân trên thật sự lột xác. Ông túc trực tại phòng khám của bác sĩ Madava, chào hỏi các bệnh nhân mới bằng cái bắt tay và nụ cười thân thiện. Suleiman dùng bữa trưa với Madava, gồm cháo bắp và cá. Không cần ai đi theo để hỗ trợ ông nữa. Nói tóm lại, Suleiman một lần nữa đã trở về với cuộc sống bình thường.
Khi cư dân tại Zanzibar cảm thấy muốn bệnh tới nơi, họ lại đến phòng khám của Madava. Nếu biết không thể giúp được họ, ông chuyển các bệnh nhân đến bệnh viện. Còn đối với bệnh nhân nước ngoài, thầy lang vườn cảm thấy tiếc cho những người này, cho rằng nếu biết cách đối xử đàng hoàng với bản thân, họ không cần phải tốn quá nhiều tiền để chạy đến gặp ông ở Zanzibar.
Madava cho hay nếu tuân thủ theo 2 phương pháp sau đây, chẳng ai phải cần đến bác sĩ. Thứ nhất là quan hệ tình dục đều đặn để duy trì hàm lượng các hormone tốt trong cơ thể. Một minh chứng hùng hồn là bản thân Madava, ông này có 4 vợ và 39 đứa con.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là chế độ dinh dưỡng luôn cân bằng theo hướng điều hòa với tự nhiên.
Có vẻ như đối với Madava, cách sống thượng thọ là vấn đề nằm trong tầm tay, nếu biết kết hợp chế độ ăn hợp lý và tình dục sung mãn.
Cách để sống đến 122 tuổi
Trong những năm qua, Madava được mời đến những nơi như New York, Rotterdam và Berlin để thuyết giảng về triết lý liên quan đến thuốc men và dinh dưỡng.
Đến đâu ông cũng trình bày cùng một nguyên lý như khi đối diện các bệnh nhân ở Zanzibar. Madava cho hay cơ thể cần được duy trì 6 nguồn dinh dưỡng, gồm “không khí”, “nước”, “trái cây”, “rau củ quả”, “gạo/chuối”, “thịt/cá”. Mỗi thứ một ít. Nếu theo nguyên lý này, bất cứ ai cũng có thể sống đến 122 tuổi như cha của ông.
Bản thân Madava, hiện 63 tuổi, tự hào vỗ ngực rằng mình chưa từng bệnh một ngày nào trong đời.
|