HLTcoffee.com - Chỉ cần bỏ thời gian ra để ngồi yên một chỗ, không lo lắng, không toan tính, bạn đã có thể làm việc hiệu quả hơn, khỏe mạnh hơn, thậm chí sống lâu hơn.
Giảm stress
Từ hàng ngàn năm nay, các thầy chùa đã ngồi thiền mỗi ngày và lặng lẽ nhận những lợi ích to lớn từ việc lắng nghe cơ thể của chính mình. Nhưng đến tận thập niên 70 của thế kỷ trước, thiền mới gây sự chú ý ở phương tây khi một giáo sư y khoa người Mỹ là Jon Kabat-Zinn bắt đầu trị liệu thành công giảm đau kinh niên cho các bệnh nhân bằng phương pháp tạm dịch là giảm stress dựa trên chánh niệm (từ chánh niệm ở đây có nghĩa sống với hiện tại, hiểu rõ cơ thể trong giây phút hiện tại).
Nhưng quan niệm thiền là một cách hành đạo của các thầy chùa khiến cho thiền không mở rộng và cũng ít được lưu tâm, nhất là ở phương Tây. Mãi đến gần đây, thiền mới được các nhà khoa học phương Tây nghiên cứu rộng rãi. Một trong những cuộc nghiên cứu mới nhất được công bố hồi đầu tháng, do các nhà khoa học tại Đại học Carniegie Mellon (Mỹ) tiến hành.
“Ngày càng có nhiều người bảo rằng thiền giúp giảm stress nhưng chúng ta không hề biết cần thiền với mức độ ra sao mới có thể giảm stress cũng như mang lại các lợi ích khác về sức khỏe”, Trưởng nhóm nghiên cứu J.David Creswell giải thích lý do ông thử tính về “liều dùng” của thiền.
Kết quả thật ngoạn mục: thiền là phương pháp giảm stress rất nhanh. Chỉ cần thiền trong 3 ngày, mỗi ngày chỉ 25 phút, người ta đã có thể giảm stress đáng kể.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 66 người từ 18 đến 30 tuổi, chia thành 2 nhóm, trong đó nhóm 1 được hướng dẫn các kỹ thuật thiền: tập kỹ thuật thở và quan sát hơi thở, tập trung vào giây phút hiện tại. Nhóm thứ 2 được hướng dẫn phân tích thơ văn. Sau 3 ngày thực tập, những người tham gia được kiểm tra mức độ stress bằng các câu trả lời miệng, giải toán và đo cortisol trong nước bọt - thứ được xem là hormone stress. Kết quả: nhóm tập thiền vừa giảm stress ở các bài kiểm tra, vừa có mức độ phản ứng lại cortisol hơn hẳn nhóm phân tích thơ. Tập kiểm soát tâm trí không để đầu óc lo lắng, toan tính đã phát huy tác dụng trong việc đối phó với stress.
Tương tự, một cuộc nghiên cứu khác, lần này do tiến sĩ Madhav Goyal của Đại học John Hopkins tiến hành cũng cho thấy những ai tập thiền giảm lo lắng cũng như trầm cảm so với những người còn lại. Ông đã tính toán số liệu trên 47 cuộc nghiên cứu lâm sàng, được thực hiện trên 3.500 người bị rối loạn trầm cảm và lo lắng ở mức độ nhẹ.
Sống lâu
Elizabeh Blackburn là người đã đoạt giải Nobel y sinh học cùng với 2 nhà khoa học khác hồi năm 2009 vì đã phát hiện ra cơ chế mà telomere cùng với enzyme telomerase bảo vệ nhiễm sắc thể. Telomere được ví như cái nắp của nhiễm sắc thể, như đầu bịt của sợi dây cột dày, giúp bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi bị bào mòn. Tuy nhiên, mỗi lần tế bào phân chia, “cái nắp” này ngắn lại và khi ngắn tới một mức độ nhất định, tế bào bắt đầu hoạt động vô tổ chức và không thể phân chia được nữa - hiện tượng được xem là mấu chốt của quá trình lão hóa.
Các nhà khoa học cũng phát hiện một enzyme mà sau này được đặt tên là telomerase góp phần bảo vệ và tái tạo telomere. Khám phá kể trên mở ra một chiều hướng mới trong công cuộc đi tìm viên thuốc trường thọ hay ít ra là nâng cao tuổi thọ con người. Tất nhiên, tác giả Blackburn không thể đứng ngoài cuộc. Và thiền là một trong những chủ đề tập trung của người phụ nữ Mỹ gốc Úc.
Trong một cuộc nghiên cứu của Blackburn, những người tham gia được lên núi để học thiền trong 3 tháng. Sau quãng thời gian này, trung bình hàm lượng enzyme telomerase của những người đã học thiền cao hơn đến 30% so với những ai đang chờ tới lượt lên núi.
Một cuộc nghiên cứu khác về cùng đề tài, do Blackburn phối hợp với các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ) thực hiện cho thấy, hoạt động của telomerase trong cơ thể của những ai thực hành một phương pháp thiền cổ mang tên Kirtan Kriya 12 phút mỗi ngày (trong 8 tuần liền) cao hơn hẳn so với nhóm nghe nhạc thư giãn trong cùng quãng thời gian.
Cả hai nghiên cứu đều dẫn đến một kết luận chung: thiền làm chậm lại sự lão hóa, tức kéo dài tuổi thọ.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về việc thiền làm tăng telomere và telomerase nhưng giải thích được nhiều người đồng thuận nhất là vì thiền làm giảm stress. “Chỉ tập trung vào hành động và tương tác của giây phút hiện tại là rất quý giá và cũng là điều thực sự hiếm hoi trong thế giới ngày nay, khi mà chúng ta chỉ luôn muốn làm nhiều thứ cùng một lúc. Tôi cho rằng chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự tập trung rất dàn trải, nhất là khi con người ta quá căng thẳng và không có điều kiện để chỉ thực sự chỉ tập trung vào nơi mà người ta đang ở”, Elissa Epel - Giám đốc Trung tâm tuổi già, chuyển hóa và xúc cảm tại Đại học Đại học California, San Francisco (Mỹ) phát biểu. Bà là người cộng tác mật thiết với Blackburn trong các cuộc nghiên cứu về stress và telomere.
Bùng nổ
Trong những năm gần đây, những công ty, đơn vị sừng sỏ như quân đội Mỹ, Google, Sở Giao thông London, Bộ Nội vụ Anh... bắt đầu tổ chức các khóa thiền cho nhân viên. Có nhiều trường phái thiền khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là kỹ thuật ngồi tĩnh tại, tập trung quan sát từng hơi thở, thư giãn, tập trung vào hiện tại, không để tâm trí “lang thang” với bao lo lắng cho tương lai, nuối tiếc cho quá khứ, mải mê với những va chạm trong cuộc sống hằng ngày...
Việc tập thiền đều đặn giúp người ta học được cách chế ngự được những lo lắng, bất an của nhịp sống hiện đại, thoát ra khỏi những “sân si” ngập tràn mà sống thanh thản. Cũng chính vì thế, thiền tập cho người ta tập trung vào giây phút, vào công việc hiện tại, nhờ thế làm việc hiệu quả hơn. Đó là chưa kể những lợi ích khác nữa như giúp hạ huyết áp, kiểm soát cảm xúc.
Thiền được cho là điều không khó, hầu như ai cũng có thể luyện tập được. Tuy nhiên, với nhiều người, cái khó nhất của thiền là... không có thời gian để thiền. Giữa một thế giới quá bận rộn như hiện nay, không có thời gian là lý do rất phổ biến cho tất cả mọi thứ. Vấn đề chỉ là sự ưu tiên của từng người.