Con người sắp nắm được bí quyết trường sinh bất tử?

Các nhà khoa học đang dần giải mã những bí ẩn của sự lão hóa, có nghĩa rằng, một ngày không xa con người có thể trường sinh bất tử...
Cho đến nay, tuổi thọ tối đa của con người đã lên tới ngưỡng 125 năm, trong đó có đóng góp không nhỏ nhờ tiến bộ y học. Chính những tiến bộ này đã đưa tuổi thọ trung bình của con người từ 46 tuổi vào năm 1900 lên 78 tuổi như hiện nay.
Thông qua nghiên cứu di truyền, các nhà khoa học đang hy vọng sẽ tạo ra phản xạ cho hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt được các tế bào ung thư và tinh chỉnh ADN để ngăn chặn lão hóa của các tế bào khỏe mạnh. Cộng với công nghệ tế bào gốc và in 3D sản xuất tế bào mới có thể cho phép việc “cải lão hoàn đồng” người già cũng giống như việc sửa một chiếc xe hơi cũ.
“Tôi muốn nói rằng, chúng ta có cơ hội 50-50 để có thể kiểm soát sự lão hóa theo mức độ mong muốn bằng tiến bộ của y học trong vòng 25 năm tới”, chuyên gia lão khoa Aubrey de Gray khẳng định.
Con người sắp nắm được bí quyết trường sinh bất tử?
Khoa học sắp tìm ra bí quyết sống bất tử cho con người? (Ảnh: haxbee.com)

Giảm lão hóa bằng ăn ít?

Đến nay, khoa học mới chỉ phát hiện ra cách làm chậm quá trình lão hóabằng cách giảm lượng calo hấp thụ vào cơ thể. Theo nghiên cứu thì những loài cá, chuột, giun tròn và một số loài khác, nếu chúng ăn ít thì có thể kéo dài thêm 30-40% thời gian sống.
Tuy nhiên vẫn chưa có thử nghiệm nào như vậy ở người mà mới chỉ có ở khỉ nâu. Nhưng kết quá cho thấy, khỉ ăn thiếu calo lại không hề tăng tuổi thọ. Trong khi đó, một số người “siêu gầy” chỉ ăn 1.200 calo mỗi ngày, ít hơn 1/2 so với người thường, lại luôn tin họ có thể sống lâu hơn thông thường từ 10-20 năm.

Có một lựa chọn tốt hơn nhiều

Một số phòng thí nghiệm trên thế giới đang tiến hành thay thế những cơ quan bị hỏng của con người bằng công nghệ tế bào gốc. Mới đây, trong tháng 7/2013, tin vui đã có khi các nhà khoa học Nhật Bản tuyên bố, họ đã phát triển thành công gan thu nhỏ đầu tiên từ tế bào da của con người.
Cùng với tiến bộ trên, các nhà khoa học còn sử dụng công nghệ in 3D để hỗ trợ sản xuất ra các cơ quan mới cho cơ thể người theo yêu cầu. Đến nay, họ đã in ra được một bộ tim chuột theo hình ba chiều và có thể đập nhịp như quả tim bình thường. Thậm chí một số nhà khoa học còn tìm cách chữa lão hóa cho chính những cơ quan nội tạng này.
Đặc biệt, các nhà khoa học còn đang tập trung giải mã phần bí ẩn của ADN, được gọi là telomere, có thể giúp nhiễm sắc thể không bị lão hóa. Nhưng khi các tế bào cơ thể phân chia nhiều lần trong nhiều năm sống lại dẫn tới tình trạng telomere bị sờn đi, kéo theo các tế bào phân chia kém đi và quá trình lão hóa sẽ diễn ra nhanh. Giới khoa học tin rằng, nếu tìm ra cách nào đó ngăn quá trình thoái hóa của telomere thì có thể ngăn chặn quá trình lão hóa.

Vậy con người có cơ hội bất tử?

Một triệu phú người Nga Dmitry Itskov, tin rằng con người sẽ trở nên bất tử trong vòng 3 thập kỷ tới. Còn giám đốc kỹ thuật Google Ray Kurzweil đoán rằng, con người sẽ bất tử theo cách “hợp nhất với máy tính” để lưu những ý nghĩ cũng như trải nghiệm của mình lên đó.
Dù ý tưởng muốn sống bất tử như hai nhân vật trên không hiếm nhưng từ quan điểm đạo đức có người cho rằng, tuổi thọ hữu hạn cho con người là điều cần thiết. Vì con người bất tử sẽ dẫn tới sự quá tải cho hành tinh và những ảnh hưởng khôn lường về văn hóa.
Nhưng cảnh báo đó vẫn không dập tắt được khao khát tìm ra con đường bất tử cho loài người. Năm 1988, một sinh viên đã vô tình phát hiện ra một sinh vật biển bí ẩn có thể bất tử đó là loài sứa biển Benjamin Button. Đến nay, các nhà khoa học vẫn đang “nóng lòng” muốn tìm ra lời giải về loài sinh vật này cũng như các loài bọt biển và giun giúp, với hi vọng đem lại sự bất tử cho con người.
“Một khi chúng tôi xác định được cách cải lão hoàn đồng của những con sứa, chúng tôi sẽ đạt tới những điều kỳ diệu. Đó chính là đem lại sự bất tử cho con người”, nhà sinh vật học biển Shin Kubota hồ hởi bày tỏ.